Chỉ số S&P Retail Index đã giảm gần 30% kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp trong ngành này, bao gồm cả những cái tên dẫn đầu như Walmart và Amazon vẫn đang đẩy mạnh đầu tư.
Khi nền kinh tế giảm tốc, phản ứng thông thường của các công ty trong ngành tiêu dùng sẽ là cắt giảm: tuyển dụng chậm lại, thậm chí có thể sa thải nhân viên, giảm chi phí quảng cáo, giảm tốc độ đầu tư vào các dự án mới hoặc ngừng một số dự án cho đến khi hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ đang làm trong năm 2022 đầy khó khăn.
Chỉ số S&P Retail Index đã giảm gần 30% kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp trong ngành này, bao gồm cả những cái tên dẫn đầu như Walmart và Amazon vẫn đang đẩy mạnh đầu tư. Đầu tư của nhà bán lẻ đồ điện tử Best Buy đã tăng tới 37% dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm hơn một nửa. Chỉ có Gap và Lowe’s giảm mạnh đầu tư.
Bài học từ khủng hoảng
"Rõ ràng là có những nỗi lo về chi phí, nhưng họ có những dự án ưu tiên vẫn cần thực hiện. Đó là bài học mà các công ty rút ra được từ khủng hoảng tài chính", Thomas O’Connor, chuyên gia của hãng tư vấn Gartner nói.
Bài học đó là gì? Theo dự đoán, những khoản đầu tư của các ông lớn như Walmart, Amazon và Home Depot sẽ giúp họ lấy được khách hàng từ tay những đối thủ yếu hơn vào năm sau, khi tình hình tài chính của người tiêu dùng được cải thiện sau 1 năm 2022 nhiều khó khăn.
Sau khủng hoảng 2007 – 2009, lợi nhuận của 60 công ty mà Gartner phân loại là "tăng trưởng hiệu quả" đã tăng gấp đôi nhờ đầu tư trong khủng hoảng, trong khi lợi nhuận của các công ty khác gần như không đổi. Đó là kết quả được rút ra sau khi nghiên cứu hơn 1.200 công ty tại Mỹ và châu Âu.
Theo khảo sát mới nhất lấy ý kiến của các giám đốc tài chính (CFO) trong nhiều ngành, trong khủng hoảng lần này, các khoản đầu tư vào công nghệ và phát triển nhân sự là những chi phí cuối cùng mà các công ty sẽ cắt giảm. Ngân sách dành cho sáp nhập, các kế hoạch liên quan đến bền vững môi trường và thậm chí là cải tiến sản phẩm lại là những thứ họ nghĩ đến đầu tiên.
Ngày nay, một số nhà bán lẻ đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng. Ví dụ, nhiệm vụ trọng tâm tại Home Depot hiện là làm sao để kết nối các cửa hàng với nhà cung ứng tốt hơn. Những công ty khác như Walmart thì cải thiện cửa hàng sao cho các kệ hàng sẽ được lấp đầy nhanh chóng hơn.
Theo Michael Mandel, chuyên gia kinh tế đang công tác tại Viện nghiên cứu chính sách cấp tiến, xu hướng tăng đầu tư đã có từ khoảng chục năm nay, nhưng đã gia tăng rất mạnh trong đại dịch Covid-19. "Kể cả trước dịch, các nhà bán lẻ cũng đã tích cực đầu tư vào thiết bị, công nghệ và phần mềm. Từ năm 2010 đến 2020, đầu tư vào phần mềm của ngành bán lẻ tăng trưởng 123%, so với mức 16% của ngành sản xuất".
Tại Walmart, tiền được rót vào những sáng kiến như VizPick, hệ thống thực tế ảo tăng cường kết nối với điện thoại di động của nhân viên siêu thị để nhà phân phối có thể lấy đầy kệ nhanh hơn. "Covid-19 khiến Walmart và các nhà bán lẻ khác phải nâng cao hiệu quả của khâu hậu cần, đầu tư nhiều hơn cho các kênh trực tuyến. Họ bắt buộc phải cải thiện chuỗi cung ứng, bạn sẽ nhìn thấy nhiều tự động hóa hơn, nhiều robot hơn", nhà phân tích Arun Sundaram của CFRA Research nhận xét.
Tuần trước, Amazon thông báo thâu tóm Cloostermans, 1 công ty của Bỉ chuyên về robot trong nhà kho. Phía Home Depot cho biết cải tổ chuỗi cung ứng là chiến dịch đã được công ty theo đuổi từ vài năm nay. Hiện nỗ lực này đang ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận nhưng lại là mục tiêu chiến lược quan trọng.
Cửa hàng tương lai của những nhà bán lẻ già nua
Một số nhà bán lẻ đang tập trung nhiều hơn vào việc “làm mới” thương hiệu. Tại Kohl’s, điểm nhấn của chi tiêu năm nay là mở rộng hợp tác với Sephora, trong đó có bổ sung thêm các cửa hàng mini ngay bên trong 400 cửa hàng của Kohl’s trong năm nay. Trong nửa đầu năm 2022, số tiền đầu tư của Kohl’s đã tăng hơn gấp đôi. Trong đó gần 220 triệu USD có liên quan đến mối hợp tác này.
Năm nay Target có kế hoạch chi tổng cộng 5 tỷ USD để mở mới 30 cửa hàng và nâng cấp 200 cửa hàng khác. Tính từ năm 2017 đến nay hơn một nửa cửa hàng của chuỗi đã được nâng cấp. Năm 2020 Target chính thức thông báo hợp tác với Ulta Beauty và đặt mục tiêu sẽ có 800 cửa hàng liên kết.
Và cái tên chịu chi nhất chính là Amazon, công ty đã chi hơn 60 tỷ USD trong năm 2021. Hãng đã bỏ ra gần 31 tỷ USD đầu tư vào bất động sản và thiết bị trong 6 tháng đầu năm nay, tăng thêm so với kỷ lục của năm 2021 mặc dù khoản đầu tư này khiến dòng tiền của Amazon bị âm.
CFO Brian Olsavsky nói với các nhà đầu tư của Amazon rằng công ty đang chuyển hứng đầu tư thêm cho mảng điện toán đám mây. Khoảng 40% số vốn đầu tư mới sẽ hỗ trợ nâng công suất nhà kho và khâu vận chuyển. Amazon cũng có kế hoạch giảm chi cho các cửa hàng trên toàn thế giới để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Gap, hãng bán lẻ thời trang có cổ phiếu giảm gần 50% kể từ đầu năm đến nay, là một trong số ít các công ty cắt giảm chi tiêu. CFO Katrina O'Connell thanh minh rằng Gap cần bảo vệ lợi nhuận năm 2022, hi vọng có thể hồi phục trở lại trong năm 2023. "Tôi tin rằng đây là cơ hội để hành động chậm lại nhằm cải thiện hoạt động đầu tư sao cho hiệu quả hơn", ông nói.
Trong khi đó lãnh đạo của Lowe’s cho rằng hãng vẫn có cơ hội giành giật thị phần từ những đối thủ nhỏ hơn dù cắt giảm chi tiêu. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Lowe’s vẫn diễn biến tốt hơn so với Home Depot, dù cả hai đều sụt giảm mạnh kể từ đầu năm đến nay.
"Đồ trang trí cải tạo nhà cửa là thị trường rộng lớn với quy mô lên đến 900 tỷ USD. Phần lớn mọi người chỉ tập trung vào 2 người chơi lớn nhất và đánh giá dựa vào đó, nhưng thực tế thì thị trường phân mảnh hơn thế rất nhiều", Marvin Ellison, CEO của Lowe’s nói.
Tham khảo CNBC
תגובות